Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

ĐÊM BÁNH MẬT- thơ

Thơ: Đặng Hà My

Đêm bánh mật rót nâu vào phố

Sóng sánh Tây Hồ Đuôi mắt xanh
Sen đầu mùa nở vành môi con gái
Em xòe tay bung nụ giữa son ngày

Cơn sóng đầy
Ăm ắp phía xa
Anh ngút ngát nụ hôn mười tám
Để trong mơ giấc thiên đường gián đoạn

Tiếc ngày xưa 
Chẳng kịp Rước em về…

 HN 26.06.2013


Hình ảnh
 

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Ôi, ngày xưa...


Lên sàn múa, được cô giáo oánh cho quả lông mày sâu róm, xinh tệ. Hic, hic!

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Tắc Kè Hoa. truyện ngắn đặng Hà My


 AMPublicPageviews 905


.
Tắc kè hoa

                                            Đặng Hà My


Trước Chúa chúng ta đều thông thái và ngu xuẩn như nhau. Before God we are all equally wise - and equally foolish- Einstein


Những hí ngôn, lộng ngôn, ngoa ngôn, khủng ngôn, mật ngôn, tông ngôn, đọa ngôn, nòi ngôn, vân vân…và v…v…ngôn cứ theo dòng chảy từ ngày có thằng Internet.

Ngày no cơm đêm ấm cật, ngôn ngữ bỗng nhiên dậm dật như lên từng chặp động kinh. Ngón gõ bất biến lùa trên bàn phím bày tỏ xúc cảm như tải từng xẻng đất ném vào huyệt mộ. Những âm khí mọc gai trên hồn người. Bốn phía không gian chợt hoang vu với ánh lân tinh chớp nháy nhảy nhót.

Dòng sông trong gã vẩn lên, rồi lại lặng như tờ…

Gã lẩy bẩy đứng dậy, chui vào vùng khác.


Vùng này ánh sáng chụm, rồi chat, rồi búa ẩm ĩ và đánh trống thổi kèn vang cả góc trời. Mấy thằng ranh „nắc nư“ hạ bộnhoẻn cười qua màn ảnh, mấy con bướm tàng hình mang vẻ mặt nhừa nhựa, lé mắt chấp chới qua quầng sáng với cái miệng toé ra như hình rẻ quạt.

Ầm ào và gầm gừ, gã bực mình với thiên hạ, gã bắt đầu văng những câu chửi thề, tục tằn mong chứng tỏ với cái đám hỗn mang kia, tao quá hơn chúng bay về văn hóa, nhất là văn hóa chửi.

Chó ngồi rồi đái cả vào mâm xôi làm oản phẩm nhão nhoét, lát sau đóng khô lại như viên cứt trâu, quăng ra đường, ối kẻ nhặt lại vo thành những viên kẹo bọc mật rồi tô xanh trát đỏ lên như sản phẩm ngoại hạng chính hiệu. Thế cũng bánđược khối đầy ra. Mua vỏ trưng bày, cần quái gì ăn lõi.


Phía bờ biển mặn chát, chiều dài loằng ngoằng, đi làm chi cho mệt, mệt cũng chả tới bến bờ quái nào, chỉ có gió, gió thổi xoay tít mù rồi im lìm nấp trong những chiếc đảo không ghi tên bằng chữmẹ đẻ.


Chán, lão lại đi vòng ra sông.

Mát, gió thổi thục mạng vào tâm hồn gã, gã phởn phơ nhìn dòng sông màu mỡ đỏ quạch phù sa, nặng lắm, thế này không giàu thì thôi.

Những thuyền cát chở đầy giấc mơ hồng. Lão lại thấy mình bay dọc theo bến cảng màu xanh, nhiều thuyền như chiếc đầu rồng tải bao nhiêu là các thứ dành xuất nhập khẩu, lão cũng hí hửng, trọng tải thế kia, thuyền to nhiều thế kia, chả hơn à, cũng phải văn minh có hạng rồi.


Bỗng giật mình thột, cái loa phường ở đâu oang oác như mấy mẹgà mái ghẹ, bản tin về hoạt động xã hội. Không muốn nghe, vẫn ấn vào tai, bắt nghe. Nghe mãi rồi cũng quen, không được nghe lại thấy thiếu cái gì.

Lão nhớ mấy con chó nhà hàng xóm cứ sáng ra là chạy sang nhàlão ỉa bậy, lão nghĩ là bậy nhưng với loài 4 chân là chuyện hết sức bình thường. Mấy hôm sau con chó bị mấy tay săn trộm cuỗm bán phục vụ cho dân khoái khẩu. Lão lại ẩm ương trong đầu: thoát nợ,sướng thật, nhưng vẫn nhơ nhớ cái ký ức về nước đái chó thoang thoảng đâu ngoài ngõ.


Lão lại mò ra bến sông, nước lúc này dâng khá cao. Lão thấy một thằng người ngoại quốc đứng bên đầu sông huýt sao, tay đút túi quần. Bên này sông thuyền bè tấp nập như trảy hội. Những tấm biển ghi thành tích trọng tải dâng cao quá tầm mắt. Một ông lùn hói trán, bụng phệ oách xà lách đang quát tháo, rồi quay ra phía lão ngoại quốc kia, nói cái gì với nhau…

Lão mò tới gần như hóng hớt.

Thấy tay ngoại quốc chỉ vào túi áo bên ngực trái, ông bụng phệ kia chỉ vào cả trăm chiếc thuyền chất ngất hàng hóa. Tay ngoại quốc thò tay đưa cho ông đầu hói một cục nhỏ tí teo bằng cỡ ngón tay. Lão nhìn toét cả mắt, như hình cái chip nhỏ communications, ông đầu hói lắc đầu hỏi: „có cái gì to hơn không? chip set chẳng hạn? “

Tay ngoại quốc bụm môi cười nhạt: „chỗ này thừa đổi tất cảnhững chuyến hàng kia, số còn lại cho trả dần“

Ông hói sướng rơn, thế thì ok, tay nắm chặt chiếc chip, ông kia kéo lại:

- Từ từ đã, ai trả phần còn lại?

- Thì lũ con cháu đó, chúng đông như kiến, sức mạnh tềm tàng lắm!


Rồi lại ok, chậc chậc, chắc thỏa thuận mồm. Ông kia bảo phải có văn bản giấy tờ. Ô cái gìchứ văn bản kiểu gì chúng tôi chả chơi.

-Thế các ông có luật quốc tế không?

-Sao không? Mỗi năm chúng tôi cử khoảng chục người đi học luật quốc tế?

„khoảng bao nhiêu tuổi?“

„tầm như tôi, khoảng 40 trở lên, có thâm niên“

„thế bọn trẻ hơn thìsao“

„Học lắm sau lấy đâu ra người trả nợ, toàn thầy cãi, nuôi tốn cơm“

Kết thúc thì cũng kýcọt đàng hoàng lắm.

---

Sau cũng có thấy vệtinh quay trên quĩ đạo vù vù, đám lau nhau bá vai bá cổ ăn mừng thắng lợi. Phần nổi có một tí, phần lửng lơ có một tẹo, phần còn lại to nhất …chả thấy gì, chắc chìm ngoài biển hoặc lơ lửng ngoài không trung.

.

ĐHM Germany tháng 3. 2013

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

HẠ CHỚM



HẠ CHỚM Thơ: Đặng Hà My
.
Ngày tơ tằm
Nắng sơn thiếc bạc
Lan hương ngụ góc thiên đường
.
Giai nhân
Hồng nâu áo lụa
Rào tre
Xao xác khóm hè
Gót nào
Vừa qua phố vắng
Hương nào
Tụ đọng quanh sân
.
Tình kiễng lên
chưa chịu lớn
Đời ngước lên
chưa chịu cao
.
Lặng thầm hạ cớm
Chần chừ hai ngôi
Chiều đưa nôi
Ngẩn ngơ màu vĩ thảo
Nhớ nồng nàn
Nhớ cả những phôi pha
.
Đính nụ hôn
Chạm khảm lên môi phượng
Mở cánh đời
Tươi rói một vành son
.
Ta xòe tay làm cụm mây song chấn
Bão hòa ta
Diêu bóng
Chốn thiên du…
.
HN 17.06.2013

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Tháng sáu, ký ức về NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐIÊN- Tùy bút Đặng Hà My

Hình ảnh
NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐIÊN

Tôi gặp chú lần cuối cùng trên dốc đường Thanh Niên.
Hoa phượng muôn thuở cháy vào tháng sáu. Màu đỏ nở cả trong bóng mắt.
Chú chìa bàn tay hơi khum khum ra trước mặt tôi, tôi định bắt, chợt nghĩ: lạ, tôi với chú vốn chỗ người thân, đáng ra phải ôm vai như ngày nào chứ.
Tôi chợt sững lại và hiểu ra....
Mây kéo ngang trời, tôi bay trong vùng ký ức…
Chàng diễn viên nổi tiếng một thời? “Thằng Bờm” tuấn tú khôi ngô, đôi mắt ướt to sáng, trên sống mũi có một nốt ruồi nhỏ, nhưng duyên.
Cũng hơn một lần, mẹ vợ chú bán vải ở phố Quán Thánh giữ vạt áo tôi, than thở:
- Cái Hiền mang con nó đi nước ngoài rồi. Thằng Hiệp rượu quá, suốt ngày say mèm, nó như mộng du, lúc nào cũng tưởng nó đang là thằng Bờm, bỏ nhà đi lang thang.
- Thế đoàn kịch Hà Nội và xưởng phim truyện có quan tâm gì không hả bà?
- Ai mà quan tâm đến thằng điên ấy. Cũng may mà con Hiền bỏ đi, bây giờ nó sướng lắm! Lấy chồng tây rồi!....
Ờ, Hiền… cô nghệ sĩ trong đoàn cải lương Chuông Vàng, xinh đẹp nết na.
Biết từ ngày mưa, hôm cô bị trẹo chân lên dốc của khu tập thể 5b, chạy theo Hiệp như đuổi một vệt sao băng.
Lúc này Hiệp đang là trung tâm săn đón của các đạo diễn. Những vở kịch hằng đêm, những thước phim…Và mỗi lần ống kính quay rè rè thì chàng đã hoá thân vào nhân vật từ lâu lắm. Thi thoảng, đạo diễn trách, cùng lắm là:
- Ánh mắt chỗ này còn khôn quá, phải hơi dại, hơi lạc một chút, nhưng nhớ là vẫn phải hóm hỉnh và trong sáng! Chuẩn bị…quay…Đạt rồi, chuyển!
Còn Hiền đang chạy bên lề của thực tại, nước mắt cô hoà lẫn giọt mưa, như con chim quyên cụt giọng, gào thảm thiết:
- Anh Hiệp ơi!
Gió quất ngược tiếng gọi. Chân ríu, cô ngã xuống, chiếc dép lệch sang bên, ba ngón chân toài ra đầu dép. Cô cúi xuống ấn vào, ấn nỗi khổ đau đầu đời. Nước tuôn theo mớ tóc đen mướt thành dòng lan xuống từng ngón tay thon.
Tiếng cô hụt trong kiếm tìm tuyệt vọng:
- Anh Hiệp ơi…
Tưởng chia lìa, hoá ra thượng đế đang thực thi những điều có thể, chìa tay ban hạnh phúc và cũng sẽ không quên lấy lại. Tuổi trẻ, nhan sắc, danh vọng…
Ừ thì đánh đổi đi. .....
Và họ cưới nhau, năm sau bé gái xinh xắn ra đời. Hạnh phúc đấy, tay đang chạm vào, đang sờ thấy, đang cầm nắm từng ngày mầu hồng.
Nhưng Thượng Đế làm trò thôi. Ai bảo trai tài gái sắc là yên lành?
Rồi “thằng Bờm„ thành Bờm thật.
Vợ con bỏ đi. Dòng suối hết nguồn, khấc trơ định mệnh.
Đạo diễn bảo:
- Không sử dụng được nữa, tay này bị nhập vai quá hoá điên rồi.
Ông trời cho chàng trai khả ái bao nhiêu, giờ đòi và phạt nốt phần nợ thiếu.......
Vẫn chìa tay ra, tôi nhìn sâu vào mắt chú, mong hồn chú trở lại xác thân phàm trần. Tôi gọi:
- Chú Hiệp ơi! Chú Hiệp…
Tha thiết như tiếng gọi của Hiền năm nào giữa trời mưa đổ. Cùng tháng sáu, cũng bên một con dốc. Dốc kia ngày mưa, dốc này hôm nắng.
Lại khẩn khoản như khấn niệm :
- Chú có nhận ra cháu không? cháu Hà My đây…
Phút đợi câu trả lời của chú, có đám khói hương chạy lòng vòng niệm ý.
Chú vỗ trán… đầu quay sang phải một lần, sang trái một lần, không cho tín hiệu hồn về với xác.
Chỉ rõ đôi mắt chân thành khẩn khoản của một con mèo sắp lìa dương thế, cháy lên mầu hoa tháng sáu..........
Tôi cũng giống chú, yêu các màu hoa. Ngôi nhà chú ở làng Đại Yên, hoa nở rực rỡ bốn mùa trong khu vườn rộng. Ban đêm, các nghệ sĩ thường đến đọc thơ và bàn luận kịch bản. Ở sân, có cả băng ghế dài như các hội nghị ngoài trời.
Tôi nhỏ tuổi nhất, hay mặc váy có những bông hoa cải lấm tấm mầu xanh trắng, chạy lăng xăng rồi đòi ngồi cạnh mẹ nuôi chú, nữ sĩ Ngân Giang, thấy mọi người rất nể trọng bà, hình như trẻ con cũng thích bắt chước.
Người bà nhỏ nhắn, hơi xương, mặc bộ đồ bà ba bằng lụa tơ tằm trắng, tóc cũng trắng, búi củ hành, miệng nhả vòng khói thuốc mềm hơn tơ, tay cầm chén rượu to bằng hai ngón tay cái có hoa văn mầu chàm.
Mọi người lắng nghe bà đọc thơ, giọng đùng đục, liêu trai. Tôi hóng hớt, chẳng hiểu gì, thấy cao siêu bí ẩn. Lại có lúc bà cao hứng, giọng ngân sang sảng, mắt lim dim, chả phải bà nữa.
Tôi liếc vội ra khu vườn đầy bóng hoa dập dờn trong đêm, mùi các loại hoa như đặc quánh lại, lơ mơ như thấy linh hồn thoát ra trong những câu chuyện người lớn kể ở đám ma, thấy gai hết cả người, rờn rợn, quyến rũ, phiêu bồng khó tả.

........

Màu hoa chói chang kéo tôi về thực tại, Hiệp vẫn đứng đó. Bàn tay vẫn mở ra, khum khum...

Xin gì? uống gì, cho hết đắng cay số phận? Chú đang ở đâu?
Nắm một ít tiền của tôi, chú bước đi không một lời, quay quắt, liêu xiêu xuống dốc.
Ba tháng sau, người ta bảo: Hiệp bờm chết rồi.
Yêu quí chú nhưng tôi không thấy sốc. Chỉ hỏi lại người báo tin:
- Thế à? Bao giờ?
Tâm trí bơi trong nước mắt, mùi hoa xen lẫn mùi hương khói, tôi thì thầm: “Có lẽ thế lại tốt cho chú„
Tiếng gió run run, mùa hoa cháy, tiếng người đạo diễn, tiếng người mẹ vợ:
- Ai mà quan tâm đến thằng điên ấy!............
Đêm… tôi đi nằm, giở cuốn lịch cầm tay, thấy dòng chữ: Juni.
Thằng bờm Nguyễn Hoàng Hiệp hiện lên, tay cầm cái quạt mo vung vẩy và nụ cười trong sáng, hắn vừa đi vừa nghêu ngao:
“Thằng Bờm có cái quạt mo, phú ông xin đổi ba bò chín trâu..."

- Đêm Juni- Đặng Hà My.

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Văn chương - Blog ĐẶNG HÀ MY : Khất

Văn chương - Blog ĐẶNG HÀ MY : Khất

Khất




Em chưa thể cùng anh về với biển
Bởi nơi em chưa dịu sóng Tây Hồ
Cát nơi ấy, trùng khơi nơi ấy
Em mang về vời vợi chiết vào Thơ...

Trích (Đặng Hà My Nhiên Sơ)







Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Tháng Năm- Tháng Sáu. Thơ Đặng Hà My


CHO THÁNG NĂM

                                 Đặng Hà My

.
Tháng năm

Chẳng viết nổi một câu thơ

Bông hoa vàng vừa rực

Đóa phượng nồng vừa thức

Ta vừa thực vừa mơ
.

Tháng năm

Anh rước em về biển

Ngắm vầng mặt trời màu huyết dụ

Ướm bước chân hoàng quan mười- bảy

Cùng lứa đôi yêu nhau

Ngồi họa tình lên cát

.

Tháng năm ngào ngạt

Nồng nàn hương dã thảo

Câu thơ tứ thời dâng buổi chiều hoa mộc miên kiều diễm

Câu thơ lõa thể trong vòng tay anh mê man từng cánh mỏng thiên di
.

Hồng hạc bay về khóm ngụ tình

Mênh mông tàng sen lá đọt thanh bình cuốn tổ

Tháng năm yên lành

Câu thơ em ngủ gật

Giữa lòng anh
,
      Đồ Sơn và Cửa Lò tháng năm 2013

----------


THÁNG SÁU
                                  Đặng Hà My

.

Chập chững những cơn nắng trên mímắt diệu huyền

Tô mày đen cho bù nhìn đứng gác

Mai anh về phía biển

Không em
.

Giấc mơ ngọ nguậy trên mỏm đá thiênđường ta vừa hát

Lũ trẻ ngừng chơi dõi theo ngườiđàn ông đang vẽ hình trái tim lên cát

Câu đồng dao hiện lên chiều vàng cổtích

Em lụa là váy hoa

Nắng trang đài

.

Gió son môi ngọt lịm mắc nợ bao lần sắc lá

Mùa trung chuyển trên từng nụ hôn anh

Phéc mơ tuya mở miệng

Bàn tay em lùa vô tận

Cõi dương trần

Em đang chờ anh nhìn về
Từ phía biển...
-

HN Tháng sáu 2013


Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

đi chơi phố Hiến, bài và ảnh chôm bên lucbat.com




Văn nghệ sĩ thủ đô thăm đền Mây (30/05/2013)
Ngày 30/5/2013, đoàn văn nghệ sĩ Thủ đô do nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Liên hiệp Hội VHNT Hà Nội làm trưởng đoàn đã đến thăm đền Mây và một số danh thắng, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học: Trần Nhương, PGS.TS Bùi Việt Thắng, Y Phương, Bùi Việt Mỹ (TBT báo Người Hà Nội), PGS.TS Trần Thị Trâm (Học viện Báo chí – Tuyên truyền), Quang Hoài, Bùi Việt Sỹ, Đặng Cương Lăng (Bộ Nông nghiệp), TS Hoàng Thị Vinh (Mỹ), Đặng Hà My (Đức), Chử Thu Hằng, Lê Trung Tiết… đã có mặt trong chuyến đi thực tế rất có ý nghĩa này.
CHÙM ẢNH VĂN NGHỆ SĨ THỦ ĐÔ ĐI THỰC TẾ
(Ngày 30/5/2013 tại Hưng Yên)

Chuẩn bị xuất phát tại tòa soạn báo Người Hà Nội. Trái sang:
Nhà thơ Đặng Hà My, Chử Thu Hằng, PGS Trần Thị Trâm, TS Hoàng Thị Vinh

Trên xe ô tô

Điểm đến di tích đền Mây thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ
Hình ảnh

Cùng nghe hướng dẫn viên thuyết minh về di tích đền Mây

Xác nhận cây đa cô thụ tại đền Mây

Công nhận di tích lịch sử văn hóa đền Mây


Thỉnh chuông cổ trong đền

Nhà thơ Trần Nhương và nhà thơ Đặng Hà My đang ngắm
bốn chữ cổ “Thái Bình Vương Phủ” trong đền Mây
Và nghe ông từ kể chuyện ngàn năm

Nhà thơ Y Phương và Quang Hoài đang đọc bia đá
ghi công tích của tướng quân Phạm Bạch Hổ

Giây phút... của thơ

Phong cảnh trữ tình
Tìm hiểu về một loài hoa

Bên cây đào tiên. Trái sang: Nhà thơ Hoàng Thị Vinh, Đặng Hà My
Nhà thơ Trần Nhương và nhà thơ Bằng Việt

H.Hưng và ca sĩ Anh Đào (Đoàn ca múa nhạc Bộ Công an)

Nhà PBVH PGS Bùi Việt Thắng

Trao đổi về kinh nghiệm chăm sóc cây trong vườn

Nhà thơ Hoàng Thị Vinh và nhà thơ Đặng Hà My
với các ca nương đang chơi những nhạc cụ dân tộc

Nhà thơ Trần Nhương đọc “Gió làng ta xanh ngát”

Nhà thơ Bằng Việt đang chăm chú nghe Đặng Hà My đọc thơ

Toàn cảnh buổi trao đổi, giao lưu thơ ca

Văn nghệ sĩ Thủ đô lưu giữ lại những khoảnh khắc quý giá

LÃNG MA – SONG NGƯ
(thực hiện)

Bài nhiều người xem