Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

NÀO THÌ YÊU TỔ QUỐC

NÀO THÌ YÊU TỔ QUỐC
(Viết nhân lúc lùm xùm vụ kiện thơ của các tác giả NPQM, NXP, PHT )
Với Tổ quốc tôi không thể nào nói được
Bằng lời ca hay khẩu hiệu tung hô
Những đóa hoa không bao giờ bắt chước
Cứ nở thôi
Muôn sắc
Muôn hương
Với Tổ quốc chẳng thể nào tôi nói
Nói rằng yêu khi tôi thấy bao điều
Từ anh taxi tới chị lao công và cả những người nổi tiếng
Họ biết rằng tại sao phải hy sinh
Từ Tổ Quốc với ông cha chúng mình
Như ngàn xưa vẫn tự hào dân tộc
Đổ máu xương cho non sông con cháu
Để Việt Nam được mãi
Muôn năm?
Để Việt Nam
Không có gì
Quí hơn
Độc lập
Tự do…
(Và Tôi nghe đã quá nhiều từ ấy lắm rồi
Nó nằm trong hàng trăm bài ca khúc
Và băng rôn treo dọc các ngả đường
Trong cả tứ thơ, vần thơ người ta đang tranh nhau yêu Tổ quốc)
Với Tổ quốc tung hô quá đủ rồi
Thời bình còn kinh hơn thời chiến
Nào sát phạt đủ điều trong nhóm kín
Nào háo danh giải thưởng lùm xum
Với Tổ quốc sao cứ gắng nói: Yêu
Khi ra trận sẽ biết ai chan chứa
Nơi cửa quan ai cũng khôn ngoan chửa
Miệng nói hay, tâm điên đảo chính trường
Những đứa con chưa nói lời yêu mẹ
Cũng chắc gì chúng bất hiếu
Đúng không?
Đặng Hà My, Germany 20.10.2015

MẦU THỊ- THU XỨ XA- KHOẢNG TRỐNG KHÔNG ANH

MẦU THỊ
Đêm qua tỉnh một giấc mơ
Nghe chim cu gật trên gờ mái nâu
Tự nhiên nghĩ ngợi đâu đâu
Hình như có tiếng Thị Mầu thưở xưa
Này yếm trễ
Này đòng đưa
Này cong
Này giật
Mây mưa
Tít mù
Gọi khản hết cả giấc thu
Chửa phình
Một bụng
Phù du
Là Tình
Như thế sự
Như nhà binh
Mắt như gươm sắc ém hình thằng Nô
Đêm ấy mới đúng là phô
Có ai nhìn thấy
Tơ hơ thân nàng
Một thây lẩy
Một mơ màng
Đa đoan
Chết chửa
Một hàng Kính quan
Eo ơi
Năm tháng lỡ làng
Lại còn va phải một bang
Giáo điều
Đặng Hà My, 10.2015
--- 

THU XỨ XA
Chiều thu
Chợt lạnh thót tim
Ơ kìa
Tuyết cũng mò tìm về đây
Tuyết rơi mù mịt
Một ngày
Hôm sau mí mắt sưng hai ba lần
Chiều thu
Có kẻ qua sân
Lại tìm góc khuất ngồi lần tơ vương
Tiếng rao oanh tạc giữa đời
Giật mình tỉnh ngộ
Tà dương
Gác chiều
Nên nay có kẻ đang yêu
Thản nhiên khóc
Thản nhiên khều
Tim đen
Cành vàng gắn một chao đèn
Lá ngọc biêng biếc
Nghiêng đêm trang đài
Thiên nhiên
Ơ thế mà tài
Bao nhiêu là lá
Đổ tràn
Một thu
Về đây mà ngắm mù u
Về đây kết tóc lời ru vơi đầy
Con cò
Cái vạc
Gầy thân
Xa xôi đất khách bần thần người ra
Thôi này
Tỉnh dậy đi mà
Để rồi mày biết
Thu là
Tới đâu
Đặng Hà My, Germany 27.10.2015
--- 
KHOẢNG TRỐNG KHÔNG ANH
Vẫn để nguyên một khoảng trống không anh
Từ nơi ấy gió về trong hồi ức
Từ nơi ấy bắt nguồn câu chuyện thực
Thổi suốt mùa trên những giấc mơ xanh
Vẫn để nguyên một khoảng trống không anh
Như hôm xưa gọi nhau từ muôn kiếp
Hoa cải đi để phạc phờ mắt đẹp
Hoa sen đi để tủi ngọn sóng ngàn
Vẫn để nguyên một khoảng trống không anh
Bao nhiêu phố
Bao nhiêu đường
Chẳng rẽ
Đã quen đất, đã quen nơi xưa cũ
Em lại vòng về với khoảng trống
Không anh
ĐHMy, 20.10.2015

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

CÔ ĐƠN

CÔ ĐƠN
Em biết rồi, thôi anh đừng nói nữa
Hoa cúc nâu cũng đã cuối hạ rồi
Đừng mượn gió hay mây về lôi thôi
Mấy vạn ngày chưa làm thành câu hứa
Em biết rồi nên anh hãy đi đi
Đi mà tìm niềm Cô Đơn anh ngóng
Lục tung lên và anh sẽ thất vọng
Bởi rõ ràng nó đang nấp trong em
ĐHMy, nước Đức tháng 10.015

MỘT NGÀY

MỘT NGÀY
Có thể một ngày ta không còn nhớ nữa
Cây cổ thụ chẳng giữ nổi lá vàng
Mùa thu xưa chỉ còn vương chút nhựa
Héo cả chiều trong những giấc mơ nhau
Có thể một ngày niềm ký ức tan mau
Có khi đời giẫm lên đường kỷ niệm
Gót giày kia cũng vẹt mòn thương mến
Bàn chân kia tê lạnh biết nhường nào
Có thể một ngày nhớ lại giấc chiêm bao
Cùng nụ hôn ấm mềm như lông vũ
Em xòe tay ôm sao từ vũ trụ
Kể anh nghe toàn những chuyện buồn cười
Cả những khi nhớ lúc ta rong chơi
Thấy chim xanh đậu trên vòm lá đỏ
Hoa sen đêm thơm môi anh bày tỏ
Cánh chuồn kim bé tí cũng vào thơ
Cả một đời tri âm như giấc mơ
Phút yêu đương
Xin tận cùng
Là thật!
Để hồng nhan gặp được người tri kỷ
Dù cuối cùng mãi mãi cũng hư vô
ĐHMy, mùa thu nước Đức.
-----

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

LẠI BÀN VỀ KIỀU

LẠI KIỀU
Lâu lắm mình lười đi đọc ở đâu đó, hôm nay vô tình ghé ngang tạp chí Tiền Vệ, thấy cái ông Ngự Thuyết có bài nhận xét về thơ Việt Nam, trong ấy có đoạn thế này:
Tuyết in sắc ngựa câu giòn,
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời (Nguyễn Du)
Riêng hai câu của Truyện Kiều nêu trên, ông NT phản bác lại rằng:
Trong câu lục, “Tuyết in sắc ngựa câu giòn”, chữ “giòn” thừa, cứng, nó chỉ có nhiệm vụ gieo vần cho chữ thứ sáu của câu bát, trong khi chính câu bát này, “Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”, cũng có phần rườm rà. Tác giả muốn nói áo màu cỏ xanh, mà phải là cỏ xanh non như màu da trời chăng? Thì viết áo màu xanh da trời là đủ. Hơn nữa cấu trúc của nhóm chữ “nhuộm non da trời” hơi hàm hồ. Màu da trời xanh non, hay (núi) non có màu da trời? Đó là vài chi tiết có thể bàn thêm, nhưng dù sao hai câu thơ ấy cũng vẽ ra được những nét đầu tiên sơ ngộ của một trang thanh niên phong lưu, cao sang. (Ngự Thuyết)
----
ĐHMy viết:
Tôi thì không dám cười người, vì tôi biết những kẻ chê bai không đúng như là: cười người hôm trước hôm sau người cười.
Nhưng đọc ông này thì không thể không thấy bức trong lòng mà không lấy quạt phe phẩy đôi chút.
Chao ôi, ông NT muốn sửa thành:
"Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm xanh da trời?"
Theo tôi thì ông NT chả cần "cảm thơ" làm quái gì, chỉ cần giỏi môn sinh vật là đủ.
Khòa khòa, nàng thơ rất khó nên ông đưa cái ngố tính của ông vào chăng?
Thơ không thể lấy cái lý tính của khoa học hay trần trụi cảm tính mà áp đặt.
Ông bảo Nguyễn Du hơi hàm hồ khi viết: „nhuộm non da trời“.
Còn ý ông thì viết: „nhuộm xanh da trời“ là đủ.
Đã gọi là (da trời) thì nhất định phải là màu (xanh), xanh do tầng khí quyển dày đặc thì chả ai mà không biết, xanh do mắt của con người với những phát xạ từ não bộ cho ta nhìn thấy màu ấy, chỉ trừ những người bị rối loạn thị lực.
Khi ông NT viết (nhuộm xanh da trời) cũng khác nào (mẹ tôi đàn bà, cha tôi đàn ông).
Cụ Nguyễn viết (nhuộm non da trời).
Ngoài màu sắc lung linh của hình ảnh thiên nhiên trong hai câu trên với tính từ: (tuyết in, sắc ngựa, cỏ pha, non da...) thì tôi lại hình dung tới sự đa từ, đa nghĩa, ngẫm càng thấy hay, thấy sáng, thấy hình tượng một trang thiếu niên đang bước vào tuổi thanh niên trong nét xuân phơi phới, còn một chút chưa đủ đầy, nhẹ nhàng bởi từ (non), một khía cạnh rất nhỏ mà cần hiểu rộng hơn bao quát hơn nữa. Thơ hay và đẹp cũng ở sự trừu tượng hay nhân cách hoá môt cách tinh tế tài tình như vậy.
Không bỗng dưng cụ ND tả Thuý Kiều: „Làn thu thuỷ nét xuân sơn“ để người đời mê mải mỗi khi được đắm mình vào những dung ngôn quá đẹp không bút nào tả xiết.
Vậy mà, chết chửa, sao hậu sinh cứ thích sửa Truyện Kiều thể nhỉ?
ĐHM 2015

Bài nhiều người xem