Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

LẠI BÀN VỀ KIỀU

LẠI KIỀU
Lâu lắm mình lười đi đọc ở đâu đó, hôm nay vô tình ghé ngang tạp chí Tiền Vệ, thấy cái ông Ngự Thuyết có bài nhận xét về thơ Việt Nam, trong ấy có đoạn thế này:
Tuyết in sắc ngựa câu giòn,
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời (Nguyễn Du)
Riêng hai câu của Truyện Kiều nêu trên, ông NT phản bác lại rằng:
Trong câu lục, “Tuyết in sắc ngựa câu giòn”, chữ “giòn” thừa, cứng, nó chỉ có nhiệm vụ gieo vần cho chữ thứ sáu của câu bát, trong khi chính câu bát này, “Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”, cũng có phần rườm rà. Tác giả muốn nói áo màu cỏ xanh, mà phải là cỏ xanh non như màu da trời chăng? Thì viết áo màu xanh da trời là đủ. Hơn nữa cấu trúc của nhóm chữ “nhuộm non da trời” hơi hàm hồ. Màu da trời xanh non, hay (núi) non có màu da trời? Đó là vài chi tiết có thể bàn thêm, nhưng dù sao hai câu thơ ấy cũng vẽ ra được những nét đầu tiên sơ ngộ của một trang thanh niên phong lưu, cao sang. (Ngự Thuyết)
----
ĐHMy viết:
Tôi thì không dám cười người, vì tôi biết những kẻ chê bai không đúng như là: cười người hôm trước hôm sau người cười.
Nhưng đọc ông này thì không thể không thấy bức trong lòng mà không lấy quạt phe phẩy đôi chút.
Chao ôi, ông NT muốn sửa thành:
"Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm xanh da trời?"
Theo tôi thì ông NT chả cần "cảm thơ" làm quái gì, chỉ cần giỏi môn sinh vật là đủ.
Khòa khòa, nàng thơ rất khó nên ông đưa cái ngố tính của ông vào chăng?
Thơ không thể lấy cái lý tính của khoa học hay trần trụi cảm tính mà áp đặt.
Ông bảo Nguyễn Du hơi hàm hồ khi viết: „nhuộm non da trời“.
Còn ý ông thì viết: „nhuộm xanh da trời“ là đủ.
Đã gọi là (da trời) thì nhất định phải là màu (xanh), xanh do tầng khí quyển dày đặc thì chả ai mà không biết, xanh do mắt của con người với những phát xạ từ não bộ cho ta nhìn thấy màu ấy, chỉ trừ những người bị rối loạn thị lực.
Khi ông NT viết (nhuộm xanh da trời) cũng khác nào (mẹ tôi đàn bà, cha tôi đàn ông).
Cụ Nguyễn viết (nhuộm non da trời).
Ngoài màu sắc lung linh của hình ảnh thiên nhiên trong hai câu trên với tính từ: (tuyết in, sắc ngựa, cỏ pha, non da...) thì tôi lại hình dung tới sự đa từ, đa nghĩa, ngẫm càng thấy hay, thấy sáng, thấy hình tượng một trang thiếu niên đang bước vào tuổi thanh niên trong nét xuân phơi phới, còn một chút chưa đủ đầy, nhẹ nhàng bởi từ (non), một khía cạnh rất nhỏ mà cần hiểu rộng hơn bao quát hơn nữa. Thơ hay và đẹp cũng ở sự trừu tượng hay nhân cách hoá môt cách tinh tế tài tình như vậy.
Không bỗng dưng cụ ND tả Thuý Kiều: „Làn thu thuỷ nét xuân sơn“ để người đời mê mải mỗi khi được đắm mình vào những dung ngôn quá đẹp không bút nào tả xiết.
Vậy mà, chết chửa, sao hậu sinh cứ thích sửa Truyện Kiều thể nhỉ?
ĐHM 2015

2 nhận xét:

Bài nhiều người xem