Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Nhật Ký Gia đình

LOANH QUANH MỎI GIẤC
ĐI TÌM LOANH QUANH
Nghe nói hoa đào ngày tết lại thèm quá, giá ở VN, mình sẽ trang trí decor nhà cửa, dân Đức cũng mê như thế, mùa nào trang trí thứ ấy, mỗi mùa một màu, mùa xuân sẽ đi tông sáng nhẹ, xanh lợt, tím, hồng.
Tay ấy còn nghĩ ra mua đào trừ tà hay thật, hắn sẽ mang một cành đào nhỏ lên căn nhà ấy, sẽ cắm vào lọ, và ngắm một mình với làn khói rất mỏng từ trên ban thờ hay làn sương nhẹ tênh từ phía hồ bay đến, rồi màn đêm buông xuống sẽ thấy toàn cảnh Hồ Tây huyền tích cộng với màu ảo diệu lung linh của cầu Nhật Tân, thấy cả mé sông Hồng phía xa xa và cái bao la của trời đất.
Đêm 2.9 xem bắn pháo hoa từ 5, 6 điểm rực trời, thấy hai con rồng đá chầu nổi trên mặt hồ gần chùa Tảo Sách bỗng yêu quê hương lạ thường.
Họ hàng mọc rễ ở ven bán đảo hồ Tây rồi, chả xa nó được, đi tìm cả hàng trăm cái nhà, cả mấy miền Bắc Trung Nam rồi vẫn phải quay về thủ phủ.
Người ta kháo Hà Nội là cái nôi văn hóa nhưng cũng là cái võng của sự bon chen phức tạp.
Chuyện nhỏ, đã ở thì cứ đánh võng đung đưa bỏ xừ đi chứ, đứt thì buộc cái khác, đu tiếp, dây ô dù đầy, ngại gì mới được chứ.
Về rồi, tìm qua tất cả các phường phố từ trung ương đến địa phương, từ những nơi đô thị mới toanh như Royal city, hay Times city..., vào thăm những căn hộ lộng lẫy như mơ, nhìn ra cảnh quan bên ngoài vẫn chỉ thấy dưới lòng đường toàn người và nhà như cái mê cung trên xa lộ.
Ra khoảng ngoài vòng là không khí xung quanh đặc quánh tưởng chừng như người bị biến thành những con kiến vàng di chuyển trong những ngày nóng nắng, nhìn đâu cũng thấy bê tông chả có cái hàng cây nào, dòng người giờ tan tầm như đóng keo lại, mùi xe xăng dầu, rồi các chú công an áo vàng nhức hết cả mắt từng tốp đứng rình chặn xe mà đầu cứ như nổ pháo hoa.
Chả biết các bố qui hoạch hiện đại kiểu gì mà vừa tốn tiền ngân sách mà vẫn nghẹt hết cả thở, thỉnh thoảng được một vài khu khá khá thì người ta lại kêu xa trung tâm, hay là nguồn nước nhiễm mả kinh lắm không ở...
Rồi cơ cực cũng qua, số là đi chán, đàn đúm chán, cứ về đến gần hồ Tây là nghe gió lành thổi lên tóc, người phỡn ra thấy toàn sinh khí chui vào, chỉ muốn nằm lên mặt nước thổi gió phù phù cho quên hết sự đời, cho đã cái thèm khí quyển.
CHÚA VƯỜN ĐÀO
Hạ cánh ở đất ngày xưa là vườn đào Nhật Tân.
Chúa ơi nàng gió về đâu
Đào xưa tiên cảnh, giờ cầu bê tông...
Khi mua gạch lát tường nhà tắm tìm cả gần tháng mà chưa ưng, một buổi vô tình vào cửa hàng ở Cát Linh nhìn thấy những viên gạch màu sứ trắng có vẽ cành hoa đào hồng phớt, bảo họ chở tới nhà luôn, ốp vào, đúng là không thể đẹp hơn.
Đêm trước khi dọn nhà mới mình mơ thấy bà Chúa vườn đào má hồng rạng rỡ mà lại uy nghiêm, à ra là thế.
Nhưng mà dưới tí nữa là khu biệt thự Ciputra gần cái bãi tha ma rộng đường Nguyễn Hoàng Tôn, người ta cũng đang có kế hoạch di chuyển để xây bệnh viện nhưng chưa biết bao giờ.
Ừ, mà các cụ biến đi cho lành, chứ ở chung với phàm trần nghỉ yên sao được nơi rầm rầm xe cộ thế này, nó cứ đùng đoành chọc ngoáy có mà động hết.
Ngày xưa tí hon chả bao giờ biết đến đây, cứ đi lên đến chỗ Quảng Bá là thấy xa rồi, trên đường toàn rặng táo, đêm qua đó rùng hết mình thấy cành lá đầy ra đung đưa, vẫy vẫy.
MIẾU CÔ
Cái miếu Hai Cô linh thiêng nho nhỏ đối diện khách sạn Thắng Lợi ngày ấy quan Pháp đi ô tô qua đó hay bị chết máy, chữa thế nào cũng không xong, khi họ vào thắp hương tự nhiên xe nổ nên xưa nhiều người biết nơi này. Sau này vợ chồng bà Chắt lấy đất ấy dựng to lên và ở luôn đấy, mình không vào đó vì linh vị hai cô là dòng họ nhà mình nên đặt trong làng Y.P, nơi hai Cô sinh ra và lớn lên.
Người ta làm thơ về Hà Nội nhiều như lá rừng, nào là sâm cầm, hoa sen, Hồ Tây...cũng bởi cái lãng mạn thời bây giờ, chứ ngày xưa các cụ nhà mình kêu: Hồi ấy đi qua hồ Tây vào mùa đông rét như cắt, lại thêm tí mưa phùn run bỏ mẹ.
Hôm nọ cái đứa quen vào nhà mình ngồi đọc thơ nó viết về Hồ Tây; nghe mùi mẫn ảo ảnh cực, nó bảo mình, đọc ta nghe thơ của nhà ấy đi, chắc ấy viết hay vì sinh ra ở đó nhỉ, mình nghêu ngao:
“Thắp nén nhang lên miếu Hai Cô
Hương còn loang theo từng gót em về...”
Nó hối đọc tiếp đi, bảo hết rồi, nó ớ ra nói thơ gì ma ma.
Mình rên: hừ hừ, cả nước thắp hương, cả nước giỗ tết, từ trung ương đến địa phương, đầu năm cuối năm- quan hay quân đều đi giải hạn giải hiếc, mấy bà quan chức trung ương khăn áo nhảy đồng quay tròn đỏ đẹp ầm ầm, nào sớ nào sách xin cho được danh được giá, được nhiều tiền lắm của, thế mà đọc mấy câu ấy không linh à, hở, miếu Cô gần Phủ Tây Hồ thì cứ hỏi những người gốc thành ngày xưa là họ biết, hề hề, thế là nó nhìn mình như kiểu người đời.
Nó trề trề môi: - Nhà ấy như đồng bóng ý nhể?
Công nhận nói ngốc bỏ bu, đất Hà thành mà không căn quả mới là chuyện lạ, từ ngày xưa cái cốt cái hồn đã thấm đẫm vào các cụ. Các phố hàng người ta hầu lẫm liệt, cụ Thịnh đền Dâu thời nay giới đồng bóng HN không ai là không biết, cái ân tình của cụ với con nhang thật đức hạnh vô biên.
Muốn xem trích ngang thì hỏi con nhang đệ tử phố Hàng Quạt nhá.
Một thời ngọng ngô chính quyền phá không biết bao di tích đền miếu, cấm thắp hương, rồi rõ ràng họ bị Ngài giật tóc mai day tóc gáy, kiểu gọi là giời đánh thánh vật bao lão đi toi, hãi quá, cho khôi phục lại, khôi phục xong thì thi nhau cung tiến, nhưng mà lại còn ngu tiếp nữa là điềm nhiên khắc tên từng người trong gia đình mình vào những cái cột chùa đình, hoặc các vật dụng cúng tiến để khoe tên tuổi với thánh thần, thật không thể ngửi nổi, văn hóa hay là khắc hóa, thần kinh vấn đề nặng, thương cái đất thần kinh này, thủ đô nặng hết cả đầu vì to vật vã, nhiều chướng nhiều phĩnh.
Đặng Hà My.

NHỚ CỤ
Nhât ký gia đình
Hồi còn sống, cụ mình kể ngày tản cư thỉnh thoảng ở Hồ Tây vẫn thấy người chết được vớt từ hồ lên, có người đàn ông quần thủng nhìn thấy cả d. thâm xì, chắc đi đánh dậm, có cô gái thì tóc dài bết vào người như nhành liễu trúng bão, người ta cũng cho cây chuối qua hương khói rồi bọc chôn.
Đêm nghe tiếng Tây nói xì lồ, me tây me tiếc đầu phi dê thời thượng, rồi Khâm Thiên làng chơi, cụ ông thỉnh thoảng cũng mò qua đó phách phách, mõ mõ, thướng thướng...rồi lẫn cả tiếng súng ống oành oành. Ha ha, thế mà cụ chả ghen nhỉ, vẫn hầu chồng hầu con đàng hoàng.
Cụ có gian hàng trong chợ Đồng Xuân, lại kiêm phiên dịch tiếng Pháp và tiếng Hồng Kông miễn phí cho dân buôn trong chợ.
Cụ còn đỡ đẻ cho gần như cả làng YP. Tính cụ lành nhưng còn lâu mới hiền, trong làng có nhà nào vớ vẩn cụ chửi như thánh ca, nhưng mà chửi văn nên khó nghe hơn chửi thường, nhiều khi ngẫm mãi đến hôm sau mới biết cụ chửi.
Lúc cụ sinh ra bảy người con mới khiếp, cụ kể: thấy bụng sụt xuống đau tức là biết sắp sinh, cụ mang một tấm ni lông dày trải ra nền nhà, một chậu nước nóng, con dao, cái kéo, miếng vải chăn mỏng...thế là âm thầm cụ tự đẻ tự đỡ, tự cắt nhau rốn, tắm cho con rồi bọc vào chăn. Bây giờ có lẽ nhau của các ông bà nhà mình đều chôn hết ở khu vườn rộng trồng toàn hoa của nhà.
Bảy lần vượt cạn một mình. Việc nhà cửa cụ tự tay lo liệu hết, con cái đều ngoan ngoãn hiền lành. Cụ ông chỉ việc đi dạy học.
Hồi mình học trường Chu Văn An buổi sáng, trường này ngày xưa là trường Bưởi của Pháp, cụ bảo tiếng từ Bưởi lên khác tiếng người phố, còn gọi người Bưởi là Bòng he, kẻ Bưởi cuốc vào, ý nói kẻ chợ.
Thế mà sau này mình điềm nhiên yêu một anh gốc Bưởi, cũng có mấy bà trong họ lườm lườm nguýt nguýt, kệ chứ, các bà hay phân biệt chủng tộc, giờ khác lắm rồi nhá, con vua cháu chúa giờ còn là cái đinh cụt nữa là mình, kkk.
Khác hết rồi, giờ được nghe thế đã chuẩn, cải cách giáo dục rồi nhé, chữ y dài cũng viết i ngắn được, ai tên là Thúy thì viết thành Thúi cũng coi như phải, hoặc là có kẻ muốn sửa truyện Kiều cơ.
Nói ngọng giờ là mốt, là thời thượng, chứ thời các cụ lạc hậu, chỉ cần kéo dài một chữ, khang khác một tí là bị chửi ngay: bỏ cái kiểu nói hàng chợ ớ ớ đó đi nhé, muốn phải đòn hả. Lại còn vụ phố Thợ Nhuộm hay Thợ Ruộm nghe cứ lạc hết tai.
Cụ thọ đến 93.
Lạy cụ, phút cuối vẫn sang sảng dạy con cháu không lẫn tí nào. Chỉ tiếc mỗi không lưu lúc cụ chửi để học lóm nghe cho sướng.
Khi cụ mất mọi người thắt khăn trắng lên thân cây cau cụ hay lấy quả ăn trầu, bảo rằng cây cau nó cũng chịu tang. Hàng xóm láng giềng viếng đông nườm nượp, nể trọng cái ân nghĩa của cụ.
Lại còn có cả mấy cô ở vùng quê hay lên HN buôn bán các thứ, cụ cũng nể hay mua cho họ đắt hàng, họ tới khóc lóc vấn vái.
Cô buôn gạo mang chục cân viếng, cô bán thịt thì mang quả tim trịnh trọng cho vào cái đĩa nhựa đặt lên ban thờ, sụt sùi:
- Cháu nghèo chả có gì chỉ có quả tim lợn dâng cụ, xin cụ chứng cho, vừa vái vừa khóc rưng rức ới cụ ơi...
Cả nhà xúc động vái lại, mình cười khừng khực bị đuổi ra chỗ khác đứng.
Ô hay mà sao lại kìm được thế mới thấy mọi người tài, cho dù đang đau thương đấy, nhưng mà đã buồn thì khóc, mà đã buồn thì cũng phải cười chứ, tại thấy quả tim ấy nó thể hiện đúng lòng yêu mà chân thành, chân thành đến dân dã giống ông Phàng Sao Vàng mặc quần quân nhân ống thấp ông cao nghiêm nghị đứng chào tiễn biệt trước cửa nhà cụ Giáp, có nhẽ mình là đứa vô lễ nhất, lạy cụ xá tội.
Chán phố lại mơ có nhà vườn ở quê cậu bạn, nuôi gà vịt, cá, trồng cây rồi ra cánh đồng bát ngát cũng sướng.
Những lúc thả bộ trên đất quê cũng thấy cái vi diệu của cơn gió đồng hào phóng chắc thú vị lắm, nhưng có đâu mà về, chỉ lúc ai mời thì ghé và mơ vậy thôi.
Mê những luống cà pháo, cà bát hoa tím trắng, những dàn cây su su leo xanh rười rượi, những con gà chạy tung tăng trong vườn bên những búi hoa vàng, chùm me đất li ti, những con chuồn chuồn ngái ngủ ban trưa đậu bờ rào dâm bụt, hoa chanh hoa bưởi thoang thoảng như hồ như mơ. Tết lại còn có những cây đào phai tỏa sắc phơn phớt như sương như khói, và tự nhiên nhớ câu thơ của cụ Đào Duy Từ:
“Lánh đời mấy khách ly tao
Non tiên ngao ngán, nguồn đào sóng khơi”.
Đặng Hà My.
Thích ·  · 
  • Lê Đình Đáp Tuyệt nàng ạ, đọc đến quả tim.lợn khùng khục cười khoomg dám cười to vì đang ...súc đông. Không ngờ lần xuống chút nữa thấy nàng cười trước tui
    2 giờ · Bỏ thích · 1
  • Cá Gỗ Quê tớ nhiều búi hoa vàng lắm, lá cây này nấu canh chua thì tuyệt cú mèo. Chưa có loại canh chua nào mà tớ thấy ngon bằng loại canh này. Mà phục cụ nhà cô với các cụ xưa thật, hay chắc thời đấy các cụ đều giỏi thế nhỉ
  • Dang Ha My Lê Đình Đáp: mà lão có ở đó thì chít mất, bị đuổi cả lên cung trăng liền, tại lúc viết lại cứ liên tưởng khi viếng cụ Giáp có ông Phàng Sao Vàng cũng trịnh trọng dân dã thế, suỵt, không cười nữa, cụ chửi.
  • Dang Ha My Cá Gỗ: hoa bông vang thì phải, tớ có nghe cái bạn nó khoe, tên hay nhỉ.
    2 giờ · Thích · 1
  • Giang Ngo Cô hoài niệm làm anh cũng lây, sao mà yêu cái ngày xưa đến thế. Mà cô nhớ cũng giỏi, chắc cô ở gần được cụ cưng nhiều. Nghe cô kể làm anh đây cũng nhớ Cụ ngoại A ở đầu làng HữuTiệp, nhớ cái nồi đậu Mơ cụ rán rồi xóc xì dầu, nhớ những bao tải lá mà mấy cụ cháu lui cui quét hót ngoài vườn Bách Thảo ... Ới cô Gec ơi, sao bỗng dưng cô bắt anh hoài niệm. Hê hê. Bao giờ cho đến ngày xưa!!!
    1 giờ · Bỏ thích · 1
  • Dang Ha My ới, viết đi, cái gì lưu trong đầu quí lắm. ôi, lại vườn Bách Thảo, lúc nào cũng đầy bóng mát, lá đổ thành đống, có núi Nùng, có cây cơm nguội, và cây quả thối bọn trẻ hay lấy nghịch xát vào ghế, anh xem có đúng khôngGiang Ngo
    1 giờ · Thích · 1
  • Đỗ Anh Vũ Viết hay quá chị ơi!
    1 giờ · Bỏ thích · 1
  • Giang Ngo Cái cây quả thối đứa nào đi học mà k biết. Có điều đếch đứa nào biết nó chính là cái cây bây giờ làm khối đứa đi tù. Nó chính là cây gỗ sưa đấy cô à. Còn núi Nùng thì a cô mấy lần dập mặt vì can tội thi nhau lăn và trượt từ trên xuống. He he
    1 giờ · Thích · 2
  • Dang Ha My Cảm ơn nhà báo Đỗ Anh Vũ, khen là tớ thích rồi, ha ha
    1 giờ · Thích · 1
  • Đỗ Anh Vũ Em chỉ viết lang thang thôi, ko có thẻ nhà báo, chị là người đầu tiên gọi e là nhà báo đấy:))
    1 giờ · Bỏ thích · 1
  • Dang Ha My A, Giang Ngo, hóa ra là cây sưa à, thế sao lại đứa nào bị tù, núi Nùng giờ thế nào em cũng không biết, chỉ biết lúc nhỏ thấy nó to rộng trông rùng rợn hoang liêu nhỉ
    1 giờ · Thích · 1
  • Dang Ha My Bài của em đăng trên các báo chủ thế là tốt, nếu tay viết không cứng mà không có thẻ nhà báo thì họ sẽ khg đăng, còn ng có thẻ nhà báo chưa chắc họ đã viết hay và nghiêm túc được như thế, chúc mừng đo Đỗ Anh Vũ
    1 giờ · Thích · 1
  • Đỗ Anh Vũ Chị Dang Ha My học Chu Văn An khóa nào ạ?
  • Giang Ngo Mọi thứ ngày xưa to thì giờ bé đi nhiều, núi Nùng cũng k ngoại lệ, giờ họ có đường, bậc lên xuống tiện lợi hơn xưa và tất nhiên k còn hoang sơ bí hiểm như ngày ta còn bé. Giống như cái dốc Bưởi xưa đạp xe lên thọt cả d, toát mồ hôi ... ít thì giờ vừa đi bộ vừa huýt sáo. Còn gỗ sưa là hàng quý hiếm, cấm buôn bán nhưng giá trị cao làm các chú đi tù vì tham cô Gec à. Tết này chắc cô k về nhỉ
    1 giờ · Bỏ thích · 3
  • Dang Ha My Vừa rồi ở VN lâu quá, bạn nó đuổi sang sợ làm chật phố, ha ha anh Giang Ngo, lần tới sẽ mời rượu anh
    1 giờ · Thích · 3
  • Dang Ha My Đỗ Anh Vũ: khóa 93 ra trường, lớp thầy Hùng chủ nhiệm
    1 giờ · Thích · 1
  • Cá Gỗ Gỗ Cá mới quý chứ Gỗ Sưa thì quý cái gì hả Giang Ngo he he
    1 giờ · Bỏ thích · 1
  • Thủy Hướng Dương Bài cô biên hay quá. Tôi đọc không sót từ nào. Lạy cụ, chắc cái sắc sảo của cụ truyền hết cho cô.
    1 giờ · Bỏ thích · 3
  • Giang Ngo Lão Cá đừng tưởng bở, phàm đã làm cá gỗ thì cũng phải ra tấm ra món, bóng bẩy, thơm ngon, béo mẫm một chút cho bõ cái công chép miệng. Chứ khô quắt như lão thì báu zề.
    1 giờ · Bỏ thích · 2
  • Dang Ha My ối, Chũm ờ, em mà lãnh được tí phần của cụ thì đã mừng, toàn học cái nghịch như ma xó, cụ không chửi nên giờ đốn quá 
  • Hung Duong Giờ ạ! Đọc của Hà My mà mình cứ nghĩ đang cầm tuyển tập nào đó của bạn văn của Nguyễn Tuân hay Tô Hoài viết về Hà Nội vậy! Ôi tôi nhớ Cá Chép + Dưa chua quá đi mất
    1 giờ · Bỏ thích · 1
  • Dang Ha My Hung Duong: tại vì nó là nhật ký gia đình, có lẽ do cảm xúc thật nên cứ thế viết thôi mà. Cá chép om dưa, chẹp chẹp, ăn xong hóa rồng cả, hì hì. 

Bài nhiều người xem