Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

LOANH QUANH MỎI GIẤC
ĐI TÌM LOANH QUANH
Nghe nói hoa đào ngày tết lại thèm quá, giá ở VN, mình sẽ trang trí decor nhà cửa, dân Đức cũng mê như thế, mùa nào trang trí thứ ấy, mỗi mùa một màu, mùa xuân sẽ đi tông sáng nhẹ, xanh lợt, tím, hồng.
Tay ấy còn nghĩ ra mua đào trừ tà hay thật, hắn sẽ mang một cành đào nhỏ lên căn nhà ấy, sẽ cắm vào lọ, và ngắm một mình với làn khói rất mỏng từ trên ban thờ hay làn sương nhẹ tênh từ phía hồ bay đến, rồi màn đêm buông xuống sẽ thấy toàn cảnh Hồ Tây huyền tích cộng với màu ảo diệu lung linh của cầu Nhật Tân, thấy cả mé sông Hồng phía xa xa và cái bao la của trời đất.
Đêm 2.9 xem bắn pháo hoa từ 5, 6 điểm rực trời, thấy hai con rồng đá chầu nổi trên mặt hồ gần chùa Tảo Sách bỗng yêu quê hương lạ thường.
Họ hàng mọc rễ ở ven bán đảo hồ Tây rồi, chả xa nó được, đi tìm cả hàng trăm cái nhà, cả mấy miền Bắc Trung Nam rồi vẫn phải quay về thủ phủ.
Người ta kháo Hà Nội là cái nôi văn hóa nhưng cũng là cái võng của sự bon chen phức tạp.
Chuyện nhỏ, đã ở thì cứ đánh võng đung đưa bỏ xừ đi chứ, đứt thì buộc cái khác, đu tiếp, dây ô dù đầy, ngại gì mới được chứ.
Về rồi, tìm qua tất cả các phường phố từ trung ương đến địa phương, từ những nơi đô thị mới toanh như Royal city, hay Times city..., vào thăm những căn hộ lộng lẫy như mơ, nhìn ra cảnh quan bên ngoài vẫn chỉ thấy dưới lòng đường toàn người và nhà như cái mê cung trên xa lộ.
Ra khoảng ngoài vòng là không khí xung quanh đặc quánh tưởng chừng như người bị biến thành những con kiến vàng di chuyển trong những ngày nóng nắng, nhìn đâu cũng thấy bê tông chả có cái hàng cây nào, dòng người giờ tan tầm như đóng keo lại, mùi xe xăng dầu, rồi các chú công an áo vàng nhức hết cả mắt từng tốp đứng rình chặn xe mà đầu cứ như nổ pháo hoa.
Chả biết các bố qui hoạch hiện đại kiểu gì mà vừa tốn tiền ngân sách mà vẫn nghẹt hết cả thở, thỉnh thoảng được một vài khu khá khá thì người ta lại kêu xa trung tâm, hay là nguồn nước nhiễm mả kinh lắm không ở...
Rồi cơ cực cũng qua, số là đi chán, đàn đúm chán, cứ về đến gần hồ Tây là nghe gió lành thổi lên tóc, người phỡn ra thấy toàn sinh khí chui vào, chỉ muốn nằm lên mặt nước thổi gió phù phù cho quên hết sự đời, cho đã cái thèm khí quyển.
CHÚA VƯỜN ĐÀO
Hạ cánh ở đất ngày xưa là vườn đào Nhật Tân.
Chúa ơi nàng gió về đâu
Đào xưa tiên cảnh, giờ cầu bê tông...
Khi mua gạch lát tường nhà tắm tìm cả gần tháng mà chưa ưng, một buổi vô tình vào cửa hàng ở Cát Linh nhìn thấy những viên gạch màu sứ trắng có vẽ cành hoa đào hồng phớt, bảo họ chở tới nhà luôn, ốp vào, đúng là không thể đẹp hơn.
Đêm trước khi dọn nhà mới mình mơ thấy bà Chúa vườn đào má hồng rạng rỡ mà lại uy nghiêm, à ra là thế.
Nhưng mà dưới tí nữa là khu biệt thự Ciputra gần cái bãi tha ma rộng đường Nguyễn Hoàng Tôn, người ta cũng đang có kế hoạch di chuyển để xây bệnh viện nhưng chưa biết bao giờ.
Ừ, mà các cụ biến đi cho lành, chứ ở chung với phàm trần nghỉ yên sao được nơi rầm rầm xe cộ thế này, nó cứ đùng đoành chọc ngoáy có mà động hết.
Ngày xưa tí hon chả bao giờ biết đến đây, cứ đi lên đến chỗ Quảng Bá là thấy xa rồi, trên đường toàn rặng táo, đêm qua đó rùng hết mình thấy cành lá đầy ra đung đưa, vẫy vẫy.
MIẾU CÔ
Cái miếu Hai Cô linh thiêng nho nhỏ đối diện khách sạn Thắng Lợi ngày ấy quan Pháp đi ô tô qua đó hay bị chết máy, chữa thế nào cũng không xong, khi họ vào thắp hương tự nhiên xe nổ nên xưa nhiều người biết nơi này. Sau này vợ chồng bà Chắt lấy đất ấy dựng to lên và ở luôn đấy, mình không vào đó vì linh vị hai cô là dòng họ nhà mình nên đặt trong làng Y.P, nơi hai Cô sinh ra và lớn lên.
Người ta làm thơ về Hà Nội nhiều như lá rừng, nào là sâm cầm, hoa sen, Hồ Tây...cũng bởi cái lãng mạn thời bây giờ, chứ ngày xưa các cụ nhà mình kêu: Hồi ấy đi qua hồ Tây vào mùa đông rét như cắt, lại thêm tí mưa phùn run bỏ mẹ.
Hôm nọ cái đứa quen vào nhà mình ngồi đọc thơ nó viết về Hồ Tây; nghe mùi mẫn ảo ảnh cực, nó bảo mình, đọc ta nghe thơ của nhà ấy đi, chắc ấy viết hay vì sinh ra ở đó nhỉ, mình nghêu ngao:
“Thắp nén nhang lên miếu Hai Cô
Hương còn loang theo từng gót em về...”
Nó hối đọc tiếp đi, bảo hết rồi, nó ớ ra nói thơ gì ma ma.
Mình rên: hừ hừ, cả nước thắp hương, cả nước giỗ tết, từ trung ương đến địa phương, đầu năm cuối năm- quan hay quân đều đi giải hạn giải hiếc, mấy bà quan chức trung ương khăn áo nhảy đồng quay tròn đỏ đẹp ầm ầm, nào sớ nào sách xin cho được danh được giá, được nhiều tiền lắm của, thế mà đọc mấy câu ấy không linh à, hở, miếu Cô gần Phủ Tây Hồ thì cứ hỏi những người gốc thành ngày xưa là họ biết, hề hề, thế là nó nhìn mình như kiểu người đời.
Nó trề trề môi: - Nhà ấy như đồng bóng ý nhể?
Công nhận nói ngốc bỏ bu, đất Hà thành mà không căn quả mới là chuyện lạ, từ ngày xưa cái cốt cái hồn đã thấm đẫm vào các cụ. Các phố hàng người ta hầu lẫm liệt, cụ Thịnh đền Dâu thời nay giới đồng bóng HN không ai là không biết, cái ân tình của cụ với con nhang thật đức hạnh vô biên.
Muốn xem trích ngang thì hỏi con nhang đệ tử phố Hàng Quạt nhá.
Một thời ngọng ngô chính quyền phá không biết bao di tích đền miếu, cấm thắp hương, rồi rõ ràng họ bị Ngài giật tóc mai day tóc gáy, kiểu gọi là giời đánh thánh vật bao lão đi toi, hãi quá, cho khôi phục lại, khôi phục xong thì thi nhau cung tiến, nhưng mà lại còn ngu tiếp nữa là điềm nhiên khắc tên từng người trong gia đình mình vào những cái cột chùa đình, hoặc các vật dụng cúng tiến để khoe tên tuổi với thánh thần, thật không thể ngửi nổi, văn hóa hay là khắc hóa, thần kinh vấn đề nặng, thương cái đất thần kinh này, thủ đô nặng hết cả đầu vì to vật vã, nhiều chướng nhiều phĩnh.
Đặng Hà My. Germany201

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài nhiều người xem